Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, không phải lúc nào vợ chồng cũng có thể thỏa thuận được với nhau, không phải lúc nào họ cũng có sẵn “hợp đồng hôn nhân”. Do đó, để tránh bị thiệt thòi, vợ hoặc chồng cần phải nắm rõ quy định của pháp luật về vấn đề này.
Thứ nhất : cần phải nắm rõ quy định của pháp luật về “Tài sản chung của vợ chồng bao gồm những tài sản gì ?”
MỤC LỤC
1. Tài sản chung của vợ chồng bao gồm những tài sản nào ?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
– Tài sản chung của vợ chồng gồm : tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Các khoản thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân bao gồm :
+ Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ các khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
+ Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.
+ Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
– Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
– Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Thứ hai, cần phải biết “Tài sản nào không phải chia khi ly hôn ?”
2. Tài sản nào không phải chia khi ly hôn ?
Các loại tài sản không phải chia khi hai vợ chồng ly hôn gồm:
– Tài sản được thỏa thuận không phân chia;
– Tài sản riêng của vợ, chồng : tài sản có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, quyền tài sản với đối tượng sở hữu trí tuệ, …Những tài sản riêng này vì không có sự đóng góp của người còn lại nên người này không được yêu cầu Tòa án phân chia.
Thứ ba : cần phải biết “Cách chứng minh tài sản riêng như thế nào ?”
3. Cách chứng minh tài sản riêng của vợ chồng ?
Theo quy định về “Tài sản riêng của vợ, chồng” tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì để chứng minh tài sản nào là tài sản riêng của vợ chồng thì cần dựa trên các cơ sở sau đây :
a) Về thời điểm xác lập tài sản
Thời điểm xác lập tài sản có ý nghĩa quan trọng, do tài sản được tạo lập trước thời điểm kết hôn sẽ là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng; còn tài sản được hình thành sau khi đăng ký kết hôn sẽ thuộc tài sản chung trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Để chứng minh tài sản riêng khi ly hôn, các bên cần có chứng cứ chứng minh tài sản đó thuộc các trường hợp là tài sản riêng.
Đối với tài sản có trước khi kết hôn:
– Hợp đồng mua bán tài sản;
– Các hóa đơn chứng từ chứng minh việc mua bán chuyển nhượng;
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu…
Đối với tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng:
– Văn bản chứng minh quyền thừa kế hợp pháp;
– Hợp đồng tặng cho và giấy tờ chứng minh hoàn tất việc tặng cho….
– Đối với tài sản được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân thì phải nộp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung được công chứng theo quy định của pháp luật.
– Tài sản phục vụ nhu cầu cấp thiết của vợ chồng như các đồ dùng, tư trang cá nhân…
Theo qui định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:
– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo qui định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ chồng nhận được theo qui định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
b) Về nguồn gốc tài sản
Nếu tài sản đó được mua bằng tiền thì tiền đó có nguồn gốc từ đâu ? Từ tiền riêng hay từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng ? Có giấy tờ chứng minh đó là tài sản riêng hay khoản tiền riêng của vợ hoặc chồng hay không ?
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu các bên vợ, chồng không thể cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh thời điểm xác lập tài sản, nguồn gốc tài sản (do bị mất giấy tờ, không thể trích lục giấy tờ cần thiết,…) thì các bên có thể yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ.
Cuối cùng : nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được quy định như thế nào ? Được dựa trên những yếu tố gì ?
4. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được quy định như thế nào ?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
– Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn như sau :
+ Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;
+ Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và Gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
– Khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
– Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.
– Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia :
+ “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
+ “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
+ “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.
+ “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
– Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.
– Khi giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu.
5. Ly hôn trước chia tài sản sau : có được không ?
Theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình, pháp luật dân sự, bạn có quyền tự phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền phân chia tài sản chung sau khi đã giải quyết ly hôn.
Tùy thuộc từng cách thức phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà nơi giải quyết, trình tự giải quyết cũng có sự khác biệt, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Vợ chồng bạn tự phân chia tài sản chung sau khi đã giải quyết ly hôn
– Nếu bạn lựa chọn giải quyết theo cách thức này thì vợ chồng bạn chỉ cần thực hiện ký văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung sau khi ly hôn có công chứng/chứng thực. Sau đó, thực hiện đăng ký sang tên/đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Nếu vợ chồng bạn không thực hiện phân chia tài sản chung thì tài sản này vẫn được pháp luật công nhận là thuộc sở hữu, sử dụng chung của vợ chồng bạn, do đó, khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung này phải có sự đồng ý, thống nhất của cả hai (Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Trường hợp 2 : Vợ chồng bạn có đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận việc phân chia/giải quyết việc phân chia tài sản chung sau khi giải quyết ly hôn. Trong trường hợp vợ chồng bạn không tự mình thực hiện thỏa thuận phân chia thì có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
– Lúc này, nếu vợ chồng bạn thỏa thuận được việc phân chia và chỉ đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó thì bạn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự về hôn nhân gia đình về chia tài sản chung theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
– Trường hợp hai vợ chồng bạn không thể thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung (có tranh chấp về việc phân chia tài sản chung) thì một trong hai bên hoặc cả hai có quyền gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết
– Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án phân chia tài sản chung của vợ chồng là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có tài sản, nếu bất động sản có ở nhiều nơi thì nguyên đơn có quyền lựa chọn một trong những Tòa án nhân dân cấp huyện có bất động sản giải quyết;
– Tòa án nhân dân cấp huyện của bạn hoặc vợ cư trú (nơi tạm trú, thường trú, học tập, làm việc, sinh sống) có thẩm quyền giải quyết việc dân sự là công nhận thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng bạn;
Trên đây là tư vấn của luật sư về vấn đề Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn : làm cách nào để không bị thiệt ? Hãy nhấc máy và gọi 0904 902 429 hoặc 0913 597 479 để trao đổi trực tiếp với luật sư tư vấn. Mọi vướng mắc của bạn sẽ được hỗ trợ nhiệt tình và nhanh chóng.