Làm sao để giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn ?

238

Giành quyền nuôi con là một trong những mong muốn tha thiết của cả cha và mẹ khi ly hôn. Vậy, để giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn, cần phải chứng minh điều gì ?

Giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn là điều có thể nhưng không hề dễ dàng
Giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn là điều có thể nhưng không hề dễ dàng

1. Quyền nuôi con của cha mẹ theo quy định của pháp luật

– Cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ nêu trên.

– Hai bên vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

2. Tuổi của con ảnh hưởng thế nào đến cuộc chiến giành quyền nuôi con khi ly hôn ?

– Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi ?
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi ?

3. Giành quyền nuôi con khi ly hôn, cần chứng minh điều gì ?

a. Chứng minh điều kiện về vật chất

Có điều kiện tài chính, bằng việc chứng minh mình có thu nhập đảm bảo nuôi con như bảng lương, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, doanh thu bán hàng…. Tòa án sẽ xem xét mức thu nhập bình quân hàng tháng của bạn, sự ổn định trong nghề nghiệp, nguồn thu nhập đó được tạo ra có hợp pháp hay không ?…Tất nhiên, không phải cứ người nào có tài chính tốt hơn sẽ giành được quyền nuôi con. Nhưng nếu bạn không chứng minh được thu nhập của mình đảm bảo việc nuôi con thì đây chắc chắn sẽ là một điều bất lợi đối với bạn trong việc giành quyền nuôi con khi ly hôn.

Có chỗ ở ổn định, bằng việc chứng minh mình có nhà riêng hoặc nếu không có nhà riêng thì có hợp đồng thuê nhà dài hạn.

b. Chứng minh điều kiện về tinh thần

Tình cảm, thời gian chăm sóc con : căn cứ vào thời gian dành để chăm sóc, yêu thương con, dạy dỗ con, tình cảm của con đối với người đang có yêu cầu…

Đạo đức, nhân phẩm : Tòa án sẽ xem xét cách giáo dục con cái của bạn qua lối sống, cũng như quan hệ của bạn đối với gia đình, đối với xã hội, đối với đồng nghiệp. Tình yêu thương của bạn dành cho con cũng là một yếu tố để xem xét

c. Chứng minh đối phương không đáp ứng điều kiện giành quyền nuôi con

Cùng với việc chứng minh mình đủ điều kiện để giành quyền nuôi con thì phải chứng minh điều ngược lại ở đối phương. Cụ thể :

Trong thời gian đang chung sống, đối phương không quan tâm đến con, hay đánh đập, bạo lực với con về tinh thần và thể xác, ngăn cản, không tạo điều kiện cho con được phát triển thể chất và tinh thần… ảnh hưởng sâu sắc đến việc phát triển toàn diện của con.

Chứng cứ chứng minh nguyên nhân ly hôn là do lỗi của đối phương ví dụ như ngoại tình, bạo lực gia đình, nghiện hút, nợ nần bài bạc … và nếu để con sống chung với đối phương sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của con…

Thu thập bằng chứng để chứng minh là vô cùng quan trọng, bởi vì, cung cấp bằng chứng đầy đủ và có tính thuyết phục thì khả năng giành quyền nuôi con khi ly hôn sẽ càng cao.

4. Làm cách nào để giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn ?

Cách 1 : ưu tiên sự thỏa thuận của vợ chồng về quyền nuôi con sau khi ly hôn nhưng thực tế đâu phải lúc nào hai vợ chồng cũng có thể thỏa thuận được vấn đề này.

Cách 2 : Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Ngoài ra, còn căn cứ vào:

– Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con;

– Con dưới 36 tháng tuổi thì giao cho mẹ trực tiếp nuôi con trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.

Riêng với trường hợp, gia đình có 02 con thì thực tế cho thấy, Tòa án thường sẽ giao cho mỗi bên nuôi một con sau khi cũng căn cứ vào điều kiện của cả hai bên.

Do đó, nếu một bên vợ hoặc chồng muốn giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn thì bắt buộc phải chứng minh bản thân có đầy đủ điều kiện để cung cấp mọi quyền lợi tốt nhất cho 02 con về mọi mặt.

Về điều kiện kinh tế: Cha/mẹ cần phải chứng mình bản thân hoàn toàn có đủ điều kiện để tạo điêu kiện tốt nhất cho con sinh hoạt, học tập thông qua thu nhập hàng tháng, tài sản, nhà cửa ổn định… Bên nào có điều kiện vượt trội hơn sẽ giành được ưu thế hơn;

Về điều kiện tinh thần: Cha/mẹ phải chứng minh bản thân có đủ thời gian chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ con, ở bên cạnh con, tình cảm giành cho con. Đồng thời, trình độ học vấn, văn hóa, ứng xử… của cha/mẹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của con…

Bên cạnh đó, nếu có những chứng cứ, tài liệu về việc người còn lại không có thu nhập đủ để nuôi dạy 02 người con, không tạo cho con môi trường tốt nhất hoặc có hành vi bạo lực gia đình… thì có thể gửi đến Tòa án.

Xem thêm : Cha mẹ không được quyền nuôi con khi ly hôn trong trường hợp nào ?

Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của hai bên vợ chồng nếu nuôi cả 02 con để giao con cho người nào.

Tóm lại, nếu muốn giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn, nhất định phải chứng minh được bản thân có đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy, tạo điều kiện tốt nhất cho cả hai con.

Trên đây là tư vấn của luật sư về vấn đề Làm sao để giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn ? Hãy nhấc máy và gọi 0904 902 429 hoặc 0913 597 479 để trao đổi trực tiếp với luật sư tư vấn. Mọi vướng mắc của bạn sẽ được hỗ trợ nhiệt tình và nhanh chóng.