Hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Vậy, người phạm tội hiếp dâm sẽ bị xử lý như thế nào ?
1. Tội hiếp dâm, những dấu hiệu cơ bản
a) Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự đối với tội phạm được quy định Điều 141 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội hiếp dâm. Ngoài ra, người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự cũng là chủ thể đối với tội hiếp dâm nếu bị truy cứu theo các hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 141 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
b) Hành vi khách quan
Người phạm tội thực hiện việc hiếp dâm có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với nạn nhân trái với ý muốn của họ.
Hành vi dùng vũ lực
Hành vi dùng vũ lực trong tội hiếp dâm cũng tương tự như hành vi dùng vũ lực ở một số tội phạm khác mà người phạm tội có dùng vũ lực, nhưng ở tội hiếp dâm, hành vi dùng vũ lực là nhằm giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người bị tấn công. Hành vi này, thông thường là làm thế nào để buộc người bị hại phải để cho kẻ tấn công giao cấu, hoặc quan hệ tình dục khác như: vật lộn, giữ chân tay, bịt mồm, bóp cổ, đánh đấm, trói,… Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội thực hiện được việc giao cấu.
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp người phạm tội đã dùng vũ lực tới mức làm cho người bị hại bất tỉnh nhưng chưa bị chết và sau khi người phạm tội đã thỏa mãn dục vọng, người bị hiếp đã chết, thì người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người, ngoài tội hiếp dâm mà họ đã thực hiện. Bởi vì, người phạm tội đã bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra, miễn là y thỏa mãn được dục vọng.
Hành vi đe dọa dùng vũ lực
Đe dọa dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe dọa sợ hãi như: dọa giết, dọa đánh, dọa bắn… làm cho người bị hại sợ hãi phải để cho người phạm tội giao cấu trái với ý muốn của mình.
Điều luật không quy định đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, nên có thể hiểu hành vi đe dọa dùng vũ lực quy định ở đây bao gồm cả trường hợp đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và trường hợp đe dọa sẽ dùng vũ lực tương tự như trường hợp đe dọa dùng vũ lực đối với tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170.
Hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân
Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng nếu như bị người khác giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác thì không thể chống cự lại được.
Tình trạng này, có thể do chính người phạm tội tạo ra cho nạn nhân để thực hiện việc giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Ví dụ: Trần Văn T bỏ thuốc mê vào cốc nước để chị Đào Xuân D uống. Sau khi uống nước, chị D mê không biết gì nữa, nên T đã thực hiện hành vi giao cấu với chị D.
Cũng có trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng không thể tự vệ được do những lý do khách quan khác, không do người phạm tội gây ra cho nạn nhân, nhưng người phạm tội đã lợi dụng tình trạng đó để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Ví dụ: Chu Văn H là y sĩ bệnh viện huyện K, tỉnh T, đã lợi dụng lúc chị L đang truyền huyết thanh để giao cấu với chị L. Mặc dù biết H giao cấu với mình, nhưng vì đang truyền huyết thanh và nghe H dặn: “Nếu cử động, huyết thanh chảy ra ngoài sẽ bị cưa tay”, nên chị L không dám chống cự.
Hành vi dùng thủ đoạn khác
Thủ đoạn khác là những thủ đoạn ngoài những hành vi đã được quy định trong cấu thành (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân). Đây là quy định mở nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
Những thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc lợi dụng phải là những thủ đoạn nhằm đưa người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng làm chủ bản thân để người phạm tội giao cấu hoặc ý quan hệ tình dục khác trái ý muốn của họ, như: cho uống thuốc kích dục hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Hành vi quan hệ tình dục khác đối với nạn nhân
Hành vi quan hệ tình dục khác chắc chắn không phải là hành vi giao cấu. Tại Bản tổng kết năm 1967 của Tòa án nhân dân tối tình trạng tội phạm hiếp dâm thì
“Giao cấu là hành động chỉ cần có sự cọ xát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể Sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là tội hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”.
Như vậy, nếu không có sự “giao tiếp” (cọ xát) giữa dương vật với bộ phận sinh dục của người phụ nữ như quan hệ bằng miệng, bằng hậu môn hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của nạn nhân thì không phải là giao cấu, mà là hành vi “quan hệ tình dục khác”.
c) Về phía người bị hại
Người bị hại bị giao cấu hoặc bị thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của họ
Đây là một dấu hiệu hết sức quan trọng mà thực tiễn xét xử không ít trường hợp khó xác định, vì về phía người bị hại, trong một số trường hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khai với các cơ quan tiến hành tố tụng không đúng với trạng thái tâm lý của mình. Có người do có sự thỏa thuận nhưng lại khai với nhà chức trách là mình bị hiếp, ngược lại có người bị hiếp thật, nhưng bị người phạm tội mua chuộc lại khai là có sự thỏa thuận. Thông thường khi xác định tội phạm, người ta xét đến ý thức chủ quan của người phạm tội, nhưng đối với tội hiếp dâm, thì ý thức chủ quan của người bị hại lại là vấn đề rất quan trọng để xác định có tội hay không có tội.
Để xác định việc giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác có trái với ý muốn của người bị hại hay không, ngoài lời khai của người bị hại, chúng ta còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối quan hệ giữa hai người, thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra việc giao cấu, nhân thân của cả hai người, ý kiến nhận xét của những cơ quan, tổ chức xã hội nơi hai người công tác, của bạn bè, của cha mẹ và các tình tiết khác của vụ án, tránh chủ quan phiến diện. Chỉ khi nào chứng minh việc giao cấu đó là trái với ý muốn của người bị hại, thì người có hành vi giao cấu mới bị coi là phạm tội hiếp dâm.
Dấu hiệu trái với ý muốn của người bị hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng dấu hiệu này chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp người bị hại từ đủ 13 tuổi trở lên, còn đối với trường hợp người bị hại chưa đủ 13 tuổi thì dù có trái ý muốn hay không, người có hành vi giao cấu với họ đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 142 (xem tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi).
Giao cấu hoặc quan hệ tình dục trái với ý muốn của nạn nhân là hành vi khách quan của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng không phải trường hợp nào người phạm tội cũng phải giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác được với người bị hại thì mới là phạm tội hiếp dâm mà trong nhiều trường hợp, người phạm tội mới có hành vi dùng vũ lực nhằm giao cấu với người bị hại là đã phạm tội hiếp dâm rồi. Trường hợp này gọi là phạm tội hiếp dâm chưa đạt (chưa thực hiện được hết hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành).
Tội hiếp dâm là tội cấu thành vật chất. Tội hiếp dâm xâm phạm đến hai khách thể là quyền tự do tình dục của con người và danh dự, nhân phẩm của con người. Dựa trên khách thể trên thì đối tượng của tội hiếp dâm bao gồm cả nam và nữ và người không rõ ràng về giới tính.
d) Về ý thức chủ quan của người phạm tội
Người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, điều này chắc mọi người đều thống nhất, không ai có ý kiến khác. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có một số trường hợp khó xác định sự cố ý hiếp dâm của người phạm tội. Thông thường, người phạm tội bào chữa rằng mình không có ý giao cấu với nạn nhân mà chỉ có ý định trêu ghẹo trong những trường hợp người phạm tội mới có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác nhưng chưa giao cấu được, cùng lắm là người phạm tội chỉ nhận có hành vi làm nhục hoặc dâm ô.
Đối với trường hợp đã giao cấu được với người bị hại, thì người phạm tội lại bào chữa rằng, tưởng người bị hại đồng ý nên mới giao cấu hoặc khẳng định là người bị hại đồng ý nhưng sau đó lại tố cáo với cơ quan pháp luật.
Khi gặp những trường hợp như trên xảy ra, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh sự cố ý của người phạm tội, chứ không nên tin ngay vào lời khai của người phạm tội, thậm chí ngay cả lời khai của người bị hại.
Xem thêm : Tội hiếp dâm và tội cưỡng dâm, khác nhau như thế nào ?
2. Tội hiếp dâm, bị xử lý như thế nào ?
Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể :
“Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Trên đây là tư vấn của luật sư về vấn đề Tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Nếu bạn có vướng mắc, hãy nhấc máy và gọi 0904 902 429 hoặc 0913 597 479 để trao đổi trực tiếp với luật sư tư vấn hình sự.